Kinh doanh quán cafe không phải cứ mở ra là bán được, bán được là có lãi. Không ít các quán cafe nhỏ đến lớn, độc đáo hay cơ bản đã phá sản chỉ ngay trong năm đầu tiên hoạt động. Nhưng một bà mẹ bỉm sữa đã thành công trong lĩnh vực này, nguyên nhân từ đâu và kinh nghiệm mở quán cafe được rút ra ở đây là gì?
Hãy cùng noinaupho.vn tìm hiểu câu trả lời ngay ở bài viết dưới đây nhé.
Chủ quán cafe này đã chia sẻ toàn bộ quá trình khởi nghiệp mở quán cafe để kinh doanh của mình cho những người có ý định và chuẩn bị mở quán tham khảo.
“Mình mở được 1 quán cà phê cũng được gần 2 năm, không đủ dư giả nhưng thu nhập cũng ổn định. Chả phải thành công gì cho lắm nhưng cũng muốn chia sẻ với chị em. Mẹ trẻ nào có ý định thì tham khảo nhá, vì mình là dân tay mơ nên vấp váp nhiều lắm, nói ra cho các mẹ còn tránh (nếu mọi người muốn kinh doanh cà phê).
1. Mở quán cafe cần bao nhiêu vốn?
Làm gì mà chả cần tiền. Nhưng vì nhà còn con nhỏ (Bưởi Tây nhà em được 4 tuổi) nuôi tốn lắm nên chả dám dùng hết tiền tiết kiệm. Cái này cũng may, vì sau em cũng không lãi ngay mà đợt đầu còn lỗ nhiều. Thế nên chị em kinh doanh nên để sẵn một khoản để chi tiêu nhá, tuyệt đối đừng động vào.
Lúc đầu em chỉ tính khoảng 300 trăm triệu, vì định mở quán nhỏ ngay dưới tầng một thôi. Nhưng bạn bè kêu là thế không đủ, rồi kiểu nhà mày bé như cái mắt muỗi ai thèm vào bla bla (tức nhưng cũng đúng nên chả dám nói gì).
Thế là lại xin chồng thêm 100 triệu nữa, nhưng bà mẹ chồng em không đồng ý (kiểu giữ của bực mình). Thế là em định đi vay, nhưng bà chị chồng lại nhảy vào bảo kêu hùn vốn cùng. Em là đứa không ưa mạo hiểm nên cũng không thích đi vay ngoài, người nhà vẫn hơn. Thế là em có tổng vốn hơn 400 triệu.
Các chị em nếu có định hùn vốn kinh doanh chung thì em xin khuyên là không. Vì hay bất đồng lắm, không biết với bạn bè thì có đỡ hơn không nhưng cũng không nên kinh doanh chung đâu ạ. Một núi không thể có hai hổ, kiểu đấy đấy.
Phần vốn em chia làm 2 khoản, khoản đầu tư và duy trì kinh doanh. Em dành 250 triệu đề đầu tư thiết kế, sơn sửa, mua sắm các kiểu. Nhưng mà vì chưa liệu được hết nên có phát sinh thêm khoản sau hơn 60 triệu. Khoản để duy trì kinh doanh là để dành trả lương, mua đồ cho mấy tháng đầu chưa có lãi.
2. Địa điểm mở quán cafe kinh doanh
Ban đầu em định kinh doanh tại nhà luôn, nhưng mọi người cứ nói không nên. Thế là em cũng đi tìm địa điểm thuê để kinh doanh. Lúc đầu em có tìm trên mấy trang rao vặt rồi nhà đất gì đấy(nhiều lắm vatgia, 123nhadat, matbang, các chị cứ lên mạng search là có), cũng có nhiều chỗ nhưng chả ưng (người ưng cái này người thích cái nọ, cực kì phiền).
Rồi cũng chọn được vài chỗ, rồi cũng đi xem được vài nơi, rồi lại cũng không ưng. Em mất gần 2 tháng mới tìm được một chỗ cũng khá gần nhà, nên các chị em cứ kiên nhẫn nhá. Em thuê được một nhà 4 tầng, 3 tầng kinh doanh, tầng trên để đồ + nhân viên nghỉ ngơi (ở lại trông quán, nhưng chưa có ai ở cả). Mỗi tầng tầm 25m2, đủ phục vụ khoảng 60-70 người.
Nhà chủ ở ngay sát, nên em cũng đang nhờ 2 bác để ý giúp buổi đêm đóng cửa. Lúc đầu chỉ định làm nhỏ thôi nhưng vì ưng chỗ thuê quá mà chủ nhà không cho thuê lẻ tầng nên em quyết làm cả 3 tầng luôn, vì em thấy vốn thế cũng ổn.
Mọi người cũng nói em nên tìm cò đất, nhưng thực sự là em không thích mạo hiểm. Thấy báo đài nói toàn qua mấy lượt cò để đẩy giá lên. Nên em cũng không thích qua trung gian, mà bây giờ cũng nhiều trang web rao bán, đăng tin các kiểu nên em thấy cò cũng không cần đâu. Chị em chịu khó ngồi tìm rồi đi xem tận nơi nhá, vì lên ảnh đăng tin với thực tế khác nhau nhiều lắm. Hơi mất công lần mò rồi xăng xe nhưng được cái làm thẳng với chủ nhà, không lo bị hét giá quá cao so với thực tế.
Mọi người lưu ý, khi xem thông tin rao vặt nhà đất thì gọi điện thoại xác nhận trước, nếu bên kia nhận là uỷ nhiệm hay trung gian thì là cò mồi đấy. Em không dây vào mấy thể loại đấy nên cạch luôn, không tiếp. Tìm địa điểm chính chủ có gì thương lượng sẽ dễ hơn nhiều.
3. Thiết kế
Mọi người (lại mọi người, nghe thì nhức đầu nhưng em sợ mạo hiểm nên cũng cố nghe) nói chỉ cần bày biện gọn gàng, chọn sơn màu sáng sủa một tí, thêm cây xanh là ok. Nhưng em không thích (chủ nghĩa hoàn hảo) nên cũng thuê hẳn dịch vụ tư vấn thiết kế. Các chị em cũng nên tìm hiểu một số kí hiệu trong thiết kế đi, lên mạng search ra hết á. Lúc em làm cứ đủng đỉnh giao hết cho bên thiết kế nên khi đọc bản vẽ chả hiểu mô tê gì, may mà có phối cảnh. Mình biết đọc kí hiệu thì cũng mới giám sát thi công được nữa.
Về bên thiết kế có vài chỗ có thiết kế bao gồm cả thi công, nhưng em thì chọn riêng lẻ. Cũng để tiết kiệm thôi, chị em nào thấy phiền khi tách dịch vụ kiểu này thì dùng theo gói cũng được. Bên thiết kế nó cũng cung cấp nhiều gói lắm: thiết kế không, thiết kế + thi công, thiết kế + thi công + sắm đồ,… Tại bạn bà chị chồng làm về thi công nên bả giới thiệu chỗ đấy, được ưu tiên giảm giá nên em cũng đồng ý tách dịch vụ luôn.
4. Thi công
Gọi là thi công có hơi to tát, nhưng tân trang cho quán cũng vất lắm. Có bản vẽ rồi nên giám sát thật chặt vì sẽ có lúc mình không để ý là bị sai ngay.
Như lúc em làm thì Bưởi Tây bị ốm nên em cũng không theo sát được cứ để bên thầu làm. Có khi đang sơn thì bị thiếu một ít nên gọi hỏi em mua sơn màu gì ở đâu. Lúc đấy cũng cuống nên em chỉ nói đại là màu vàng sơn Dulux. Ông chủ thầu cũng đi mua, rồi không nhớ rõ mã sơn nên mua lệch tông (làm ăn với người quen được cái rẻ hơn nhưng nhiều thứ bất tiện, các chị em cố tránh).
Mà khi không có giám sát công nhân nhẩn nhơ lắm, làm dài để lấy thêm ngày công. Sau này em mới biết là nên khoán số ngày thi công để chốt lại.
Thế nên là các chị em nếu có việc gì nên nhờ người ra giám sát nhá. Bà chị chồng cũng thay phiên em ra giám sát nhưng mà cũng qua loa, vì là phụ nữ nên cũng chả biết người ta làm thế này thế kia có đúng hay sai nữa. Lại còn là bạn bè cũng nể nhau nên cũng chả nói gì nhiều.
Các mẹ nên tự chọn hãng nguyên liệu như sơn, xi măng, bột bả,… Vì nhiều chủ thầu cứ muốn mình dùng loại khác nói là rẻ hơn nhưng thực ra là mấy ông đấy được bên khác trả tiền hoa hồng nếu mình mua đấy.
5. Chọn menu
Em lên menu cùng lúc với thi công rồi, cũng đi xem xét nhiều quán xem người ta có gì rồi cũng học theo thôi, nên cũng không vất lắm. Nhưng bị nói là quán nhìn ok nhưng mà đồ uống chả có gì đặc biệt (ko khác quán khác). Sau khi thuê nhân viên pha chế em cũng bổ sung thêm vài món khác để phong phú hơn.
Vì quán em cho nhiều đối tượng, mà bọn trẻ vào cũng nhiều lại không thích uống cà phê mà ưa dùng sinh tố, smoothies hơn. Mà mấy món đồ uống này không hợp với hạt dưa, bò khô nên em quyết định bán thêm bánh ngọt. Menu thì các chị em kê ra cho đủ thôi, nhưng mà mấy món mà khách hay dùng thì hãy mua nguyên liệu đủ, còn mấy món khác thì gọi là mua cho có nhỡ may còn pha ra.cái này là để tiết kiệm nguyên liệu. Không cứ cái nào cũng mua cả đống không dùng hết vứt đi phí lắm.
Lúc đầu em tính tự làm đấy vì thấy mình nấu nướng cũng tạm nhưng sau lại quay ra nhập chỗ khác vì mình tự làm tuy đảm bảo nhưng phải làm nhiều loại cũng oải lắm, kể cả các mẹ có khéo tay thì cũng không nên đâu. Các mẹ nếu có ý định tự làm bánh thì bỏ ngay vì tập trung được cái này thì lại bỏ bê việc khác, quán mới nên có nhiều việc lắm.
Các mẹ nên nhập hàng ở nơi uy tín, mình thay cửa hàng cung cấp bánh mới được chỗ ưng ý. Mẹ nào muốn xin địa chỉ thì bảo mình nhá. Nói ra ở đây lại kêu PA. Mà nếu khi bán hết bánh cũng đừng vội mua bánh chỗ khác thay tạm, vì không đảm bảo chất lượng, em bị 1 lần chừa luôn.
6. Mua đồ
Đồ đạc trong quán em thì toàn là đồ mộc, không sơn phun màu gì, em thấy thế nó gần gũi (sở thích của em nó thế). Nên khi mua đồ cứ đồ mộc mà chơi. Tất nhiên là khi thiết kế em cũng nói về ý tưởng rồi nên bên đấy cũng thiết kế theo kiểu “đồng quê mộc mạc, nhưng vẫn mang hơi thở hiện đại”(nguyên văn câu của thằng thiết kế).
Dọc La Thành có nhiều cửa hàng bán lắm, chất lượng mẫu mã em thấy cũng tương đương nhau. Nên mọi người chọn thoải mái, nhưng lúc em đi mua thì không có loại mình cần phải đặt trước đấy. Cái này em cũng hỏi bên thiết kế chỉ địa chỉ mua người ta có giới thiệu mấy chỗ khá đắt, nên em tự mò ra la thành.
Đặt mua bàn ghế là phải tính từ khi đang thi công rồi. Để khi làm xong còn kịp kê đồ luôn. Em đặt khoảng hơn 2 tuần là có hàng. Tiền đồ nội thất cũng ngốn hơn 100 triệu đấy, không rẻ tí nào đâu nhưng em khá ưng vì đặt riêng nên chất lượng cũng ok.
Em được chị người quen giới thiệu ra mua đồ chén đĩa, ly tách ở bên Hàng Khoai nên cũng không phải lo cái này nhiều. Nhưng mà sau khi thuê người pha chế thì mới tá hoả là mình mua nhầm nhiều loại. Vì có những đồ uống dùng trong những loại cốc chén nhất định.
Nên chị em cần tham khảo đồ trước khi mua nhá, dự tính xem mình có đồ uống gì thì xem nên để trong ly tách nào rồi hãy mua. Đồ để đựng bánh thì dễ mua hơn, nhưng cũng cần cùng phong cách với các ly tách để không lệch nhau.
7. Tuyển nhân viên
Lúc đầu em cũng chỉ định làm vài món đơn giản thì mình tự pha cũng được, chỉ thuê nhân viên chạy bàn thôi. Nhưng mà thực ra cũng không ổn. Vì em và chị chồng đều có con nên rất hay có việc nọ việc kia. Nếu khách ít thì không sao, nếu đông khách thì nhiều khi cũng loạn lên làm chả kịp, có nhân viên chạy vào pha cùng thì chất lượng đồ uống không đều nhau.
Thế nên là em quyết định thuê nhân viên pha chế. Được dạy chuyên nghiệp nên thao tác cũng nhanh nhẹn, lại biết nhiều đồ uống thêm vào menu.
Nhưng các chị em cũng nên cẩn thận, thuê nhân viên pha chế rồi cũng không nên giao cho người ta cầm tiền mua nguyên liệu đâu. Có khi kê hết cái này đến cái kia rồi biển thủ. Em từng thay 2 người rồi. Cũng tại mình không biết nhiều về pha chế, bình thường nước chanh nước cam cứ pha bừa kiểu nước cốt, nước, đường các kiểu bỏ vào khuấy đều là xong.
Nhưng menu càng nhiều món thì mình càng cần phải biết nguyên liệu có gì, pha thế nào để xem nhân viên làm đúng hay sai, có kê thừa nguyên liệu không. Em cũng mới đăng kí đi học pha chế, vì có cả bà chị chồng trông nữa nên cũng an tâm (cũng có nhiều bất đồng nhưng công nhận thế này cũng hữu ý phết). Mấy đứa bạn kêu sao phải đi học khi thuê rồi, đúng là hiện tại nhân viên nhà em làm cũng ổn, nhưng có những lý do trên cộng với quán em đông hơn rồi, nhiều khi bạn ấy làm không kịp nên cũng cần hỗ trợ.
Về nhân viên phục vụ, em thuê theo ca. Chủ yếu toàn sinh viên làm thôi. Vì phải đi học nên giờ giấc khó sắp xếp lắm, lại trẻ nên nhiều khi mải tám chuyện mà không chú ý đâu. Các mẹ nên giám sát kĩ rồi nhắc nhở, vi phạm nhiều quá thì cho nghỉ luôn, sinh viên làm thêm giờ nhiều lắm. mọi người nên thuê tầm 2,3 nhân viên cố định tuỳ quy mô quán.
Những dịp lễ tết sinh viên hay xin nghỉ nếu mà quê gần. Nên em toàn thuê sinh viên quê ở xa thôi (hơi ác). Em cũng chỉ thuê sinh viên mấy năm đầu vì các em lúc này còn “dễ bảo”. Mà thực ra là năm cuối chúng nó cũng bận đi thực tập các kiểu rồi tự xin nghỉ.
8. Nội quy
Nghe thì hơi lố, nhưng em thấy cần thiết. Đặt ra rồi thì cứ thế mà làm. Em ghi rõ ra, phát cho từng nhân viên đọc. Sau này sai gì thì cấm cãi.”
Qua bài chia sẻ kinh nghiệm của bà mẹ này, rất nhiều điều tưởng đơn giản nhưng lại cực kì quan trọng khi muốn mở quán cafe để kinh doanh. Những kinh nghiệm và chú ý này rất đơn giản, được chủ quán chia sẻ rất dễ hiểu và gần gũi, giúp bạn có thêm những hành trang trong hành trình khởi nghiệp của mình với quán cafe.
Có thể bạn chưa biết: